Cách ủ trà đúng cách là yếu tố quan trọng quyết định hương vị thơm ngon và sự cân bằng của ly trà sữa. Một công thức ủ trà chuẩn không chỉ giữ được mùi thơm đặc trưng mà còn tránh được vị đắng chát không mong muốn. Hiện nay, với sự đa dạng của các loại trà, mỗi loại sẽ có yêu cầu riêng về tỷ lệ nước và thời gian ủ để đạt được chất lượng tốt nhất.
Hiểu được điều này, học viện đào tạo pha chế Ly Phạm – Dạy Pha Chế sẽ chia sẻ bạn 4 cách ủ trà pha trà sữa phù hợp cho từng loại trà đang phổ biến nhất hiện nay. Đảm bảo chuẩn vị và dễ dàng áp dụng vào kinh doanh.
Cách ủ trà đen
Nguyên liệu
- Trà đen: 10g
- Nước sôi: 300ml
- Dụng cụ: túi ủ trà, bình ủ trà
Cách thực hiện
Cách ủ trà làm trà sữa với trà đen gồm các bước như sau:
- Bước 1: Tráng trà sơ với nước ấm khoảng 5-10 giây để loại bỏ tạp chất và giúp trà nở đều, rồi lọc bỏ nước.
- Bước 2: Cho toàn bộ trà vào túi ủ, buộc chặt miệng túi lại và đặt trong bình ủ trà.
- Bước 3: Rót vào bình 300ml nước sôi (nhiệt độ 95-100 độ C).
- Bước 4: Đậy nắp bình lại và ủ khoảng 10 phút để trà chiết xuất hết hương vị.
- Bước 5: Sau khi hết thời gian ủ, dùng cây dằm nhẹ túi trà và vớt bỏ đi. Sau đó, chờ trà nguội thì cho vào bình và bảo quản ở nhiệt độ thường.
Nước trà đen sau khi pha có màu nâu đỏ nên còn được gọi là hồng trà. Thành phẩm có vị đậm đà và chát dịu, khi kết hợp cùng nguyên liệu khác thường không bị át vị. Vì thế, trà đen thường được sử dụng để pha chế những thức uống đậm vị như trà sữa truyền thống, trà đen macchiato, trà đào,…
Cách ủ trà lài
Nguyên liệu
- Trà lài: 10g
- Nước sôi: 400ml
- Dụng cụ: túi ủ trà, bình ủ trà
Cách thực hiện
Cách ủ trà pha trà sữa với trà lài như sau:
- Bước 1: Tráng trà lài với nước ấm khoảng 5-10 giây để loại bỏ bụi bẩn và giúp trà nở đều.
- Bước 2: Cho toàn bộ trà vào túi ủ, buộc lại và đặt trong bình ủ trà chuyên dụng. Kế đến, rót thêm 400ml nước sôi (nhiệt độ 80 độ C) vào.
- Bước 3: Ủ trà trong vòng 7 phút. Đối với trà lài, bạn không cần đậy nắp để trà giữ màu sắc đẹp mắt.
- Bước 4: Sau khi hết thời gian ủ, dùng cây dằm nhẹ túi để trà chiết xuất hết hương vị rồi bỏ túi trà. Chờ nước trà nguội và cho vào bình, bảo quản ở nhiệt độ thường.
Điểm nổi bật của trà lài chính là hương thơm nhẹ nhàng và tinh tế. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị chát nhẹ rồi từ từ chuyển sang ngọt. Những thức uống được pha chế từ trà lài có thể kể đến như trà sữa lài, trà dâu, trà chanh,…
Cách ủ trà ô long
Nguyên liệu
- Trà ô long: 10g
- Nước sôi: 400ml
- Dụng cụ: túi ủ trà, bình ủ trà
Cách thực hiện
Cách ủ trà làm trà sữa bằng trà ô long gồm các bước:
- Bước 1: Cho trà ô long vào túi, buộc chặt lại và để trong bình ủ.
- Bước 2: Rót thêm 400ml nước sôi (nhiệt độ 90-95 độ C), đậy nắp và ủ khoảng 7 phút.
- Bước 3: Sau khi hết thời gian, dùng cây dằm nhẹ túi trà để chiết xuất hết hương vị rồi bỏ túi. Chờ trà nguội và cho vào chai bảo quản ở nhiệt độ thường.
Trà ô long sau khi pha tỏa ra hương thơm nhẹ như hương trái cây. Đồng thời, vị trà ít đắng và ngọt hậu. Nhờ đó, loại trà này được dùng để pha chế những loại trà sữa có vị nhẹ nhàng hoặc pha chế trà trái cây.
Cách ủ trà xanh
Nguyên liệu
- Trà xanh: 5g
- Nước sôi: 150ml
- Dụng cụ: túi ủ trà, bình ủ trà
Cách thực hiện
- Bước 1: Cho trà xanh vào túi, buộc chặt lại và để trong bình ủ.
- Bước 2: Rót thêm 150ml nước sôi (nhiệt độ 75-85 độ C) vào, đậy nắp và ủ trà khoảng 20 phút.
- Bước 3: Sau khi hết thời gian, dùng cây dằm nhẹ túi trà rồi bỏ túi đi. Chờ trà nguội thì cho vào bình, bảo quản ở nhiệt độ phòng.
Trà xanh sau khi pha có màu xanh nhạt hoặc xanh vàng. Đi cùng với đó là vị chát nhẹ và thanh tao. Loại trà này được dùng để pha những thức uống như trà sữa trà xanh, trà xanh latte,…
Những yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng trà sau khi ủ
Cách chọn loại trà
Việc chọn trà chất lượng hay không ảnh hưởng rất nhiều tới hương vị thức uống. Bạn nên chọn trà nguyên chất, xuất xứ từ những thương hiệu uy tín, không bị ẩm mốc hay hư hỏng. Mặt khác, tùy theo loại thức uống mà sử dụng loại trà phù hợp. Chẳng hạn như trà đen có vị đậm nên dùng để pha trà sữa, trà ô long hoặc trà lài nhẹ nhàng thích hợp pha trà trái cây.
Xem thêm: 3 loại trà pha chế cơ bản và cách pha trà đúng chuẩn
Tỷ lệ trà và thời gian ủ
Thông thường, thời gian ủ trà thường khoảng 7-10 phút và có thể điều chỉnh tùy theo số lượng trà cần ủ. Tuy nhiên, không nên ủ quá lâu vì sẽ khiến trà bị đắng chát, giảm hương vị khi pha chế.
Dụng cụ ủ trà
Nên ủ trà bằng bình ủ inox chuyên dụng để duy trì nhiệt độ cũng như hương vị của trà hiệu quả. Trường hợp không có dụng cụ này, bạn có thể thay thế bằng ấm trà làm từ thủy tinh hoặc sứ. Bên cạnh đó, trong kinh doanh, bạn cần trang bị thêm một số dụng cụ hỗ trợ việc ủ trà như:
- Bộ muỗng định lượng: xác định lượng trà cần thiết cho mỗi lần pha.
- Rây: lọc bỏ bã trà sau khi ủ.
- Nhiệt kế: đo nhiệt độ nước thích hợp để pha trà.
- Đồng hồ bấm giờ: canh thời gian ủ trà chính xác.
Cách bảo quản trà sau khi ủ
Nước trà sau khi pha nên để nhiệt độ phòng và sử dụng hết trong ngày, tránh để qua đêm. Đặc biệt, không đặt trà vào tủ lạnh hoặc thùng đá vì sẽ làm giảm chất lượng cũng như hương vị của trà.
Lời kết
Đến đây, chắc hẳn bạn đã nắm được cách ủ trà làm trà sữa đúng chuẩn. Thực hiện theo 4 phương pháp nói trên sẽ giúp bạn dễ dàng tạo ra những ly trà sữa thơm ngon, chuẩn vị để kinh doanh. Và đừng quên theo dõi Ly Phạm – Dạy Pha Chế để cập nhật thêm nhiều công thức pha chế hấp dẫn khác nhé!