TÌM KIẾM

Hướng dẫn chi tiết mở quán cafe nhượng quyền năm 2025

16/05/2025

Mô hình quán cafe nhượng quyền đang trở thành xu hướng khởi nghiệp nổi bật trong năm 2025 bởi sự hấp dẫn từ thương hiệu sẵn có, khả năng rút ngắn thời gian xây dựng và hạn chế rủi ro so với việc tự vận hành từ con số 0.

Trong bài viết này, Học viện đào tạo pha chế Ly Phạm – Dạy Pha Chế sẽ hướng dẫn bạn từng bước để mở quán cafe nhượng quyền hiệu quả và bền vững: từ phân tích chi phí đầu tư, đến quy trình triển khai và bí quyết vận hành. Tìm hiểu ngay!

Hướng dẫn chi tiết mở quán cafe nhượng quyền

Hướng dẫn chi tiết mở quán cafe nhượng quyền

Có nên mở quán cafe nhượng quyền? – Lời giải đáp cho nhà đầu tư

Quyết định có nên mở quán cafe nhượng quyền hay không là một bài toán cần cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố, từ nguồn lực tài chính, kinh nghiệm cá nhân, đến mục tiêu kinh doanh dài hạn.

So sánh chi tiết về tự mở quán cafe và mở quán cafe nhượng quyền

Nếu bạn đang băn khoăn giữa việc xây dựng thương hiệu riêng hay tham gia vào một hệ thống nhượng quyền đã có sẵn. Bảng so sánh chi tiết hai mô hình dưới đây sẽ giúp bạn nhìn rõ đâu mới là còn đường phù hợp với mình:

Tiêu chí Tự mở quán cafe Mở quán cafe nhượng quyền
Vốn đầu tư Bắt đầu với vốn thấp hơn, linh hoạt tùy quy mô. Tuy nhiên, chi phí phát sinh khó lường, đặc biệt là chi phí xây dựng thương hiệu và R&D sản phẩm. Chi phí ban đầu thường cao hơn do có phí nhượng quyền thương hiệu. Tuy nhiên, có thể tiết kiệm chi phí marketing ban đầu và R&D.
Xây dựng thương hiệu Phải xây dựng từ con số 0, tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí. Rủi ro thất bại cao nếu không có chiến lược đúng đắn. Thừa hưởng ngay một thương hiệu đã có tên tuổi, được thị trường biết đến và chấp nhận.
Khách hàng Phải tự tìm kiếm, thu hút và xây dựng tệp khách hàng trung thành từ đầu. Có sẵn một lượng khách hàng nhất định từ tệp khách hàng trung thành của thương hiệu mẹ.
Kinh nghiệm & Hỗ trợ Phải tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm, đối mặt với mọi khó khăn một mình.  Được đào tạo bài bản về quản lý, vận hành, pha chế. Nhận được sự hỗ trợ liên tục từ bên nhượng quyền. 
Rủi ro Rủi ro cao hơn do mô hình kinh doanh chưa được kiểm chứng, ý tưởng có thể không phù hợp, thị trường khó đoán. Rủi ro thấp hơn nhờ mô hình kinh doanh đã được chứng minh thành công, quy trình vận hành chuẩn hóa.
Sự tự do & Sáng tạo Hoàn toàn tự do trong việc quyết định phong cách, menu, chiến lược kinh doanh. Bị giới hạn sự sáng tạo, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của bên nhượng quyền.

Quyết định “nên hay không” khi mở quán cafe nhượng quyền phụ thuộc rất lớn vào mục tiêu dài hạn, rủi ro hay thậm chí là tính cách của nhà đầu tư. 

Nếu bạn muốn đi nhanh, có sẵn công thức, thương hiệu, quy trình vận hành thì nhượng quyền là lựa chọn an toàn. Ví dụ: bạn có 300 triệu và tìm được mặt bằng gần tòa văn phòng đông người, hợp tác cùng thương hiệu cafe có tiếng sẽ giúp bạn thu hút khách nhanh hơn.

Ngược lại, nếu bạn đam mê sáng tạo, muốn xây dựng không gian quán theo phong cách riêng và sẵn sàng đối mặt với thử thách thì nên chọn tự mở quán. Ví dụ: bạn chỉ có 100 triệu, mặt bằng gần trường học thì một quán nhỏ take-away bán trà sữa homemade sẽ giúp bạn chủ động và tiết kiệm chi phí hơn.

Ai là người phù hợp với mô hình cafe nhượng quyền?

Mô hình nhượng quyền sẽ đặc biệt phù hợp với những ai muốn bắt đầu kinh doanh nhưng cần lộ trình rõ ràng và đã được kiểm chứng. Hình thức này là lựa chọn lý tưởng cho những đối tượng sau:

  • Người có nguồn vốn nhất định nhưng thiếu kinh nghiệm thực chiến trong ngành F&B: Họ có tiền nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, chưa có công thức pha chế độc đáo hay ý tưởng kinh doanh nổi bật.
  • Người muốn giảm thiểu rủi ro và tìm kiếm sự hỗ trợ bài bản: Họ nhận thức được những khó khăn của việc khởi nghiệp và muốn dựa vào một hệ thống đã được kiểm chứng để tăng cơ hội thành công.
  • Người chấp nhận tuân thủ các quy định và không đặt nặng yếu tố sáng tạo cá nhân hóa cao độ trong kinh doanh: Họ sẵn sàng làm theo một khuôn mẫu có sẵn để đổi lấy sự ổn định và hiệu quả.
Mở quán cafe nhượng quyền phù hợp với những ai có nguồn vốn nhất định

Mở quán cafe nhượng quyền phù hợp với những ai có nguồn vốn nhất định

Khi nào nên cân nhắc tự mở quán cafe?

Nếu bạn khao khát tạo dựng quán cafe mang dấu ấn riêng và sẵn sàng chủ động từ A đến Z thì mô hình tự mở quán sẽ là lựa chọn phù hợp. Đặc biệt, bạn nên cân nhắc con đường này nếu thuộc trong những trường hợp sau:

  • Bạn có ý tưởng kinh doanh độc đáo, phong cách riêng biệt và đam mê cháy bỏng với việc tạo dựng thương hiệu của chính mình
  • Bạn đã có kinh nghiệm làm việc trong ngành F&B, am hiểu thị trường, khẩu vị khách hàng và các quy trình vận hành cơ bản
  • Bạn muốn toàn quyền quyết định mọi khía cạnh của quán, từ không gian, sản phẩm đến chiến lược phát triển và không muốn bị ràng buộc bởi bất kỳ quy chuẩn nào
  • Nguồn vốn ban đầu của bạn còn hạn chế và bạn muốn bắt đầu từ quy mô nhỏ, linh hoạt, sau đó từ từ mở rộng.
Nếu bạn có ý tưởng độc đáo, đam mê xây dựng thương hiệu riêng thì tự mở quán cafe là lựa chọn lý tưởng

Nếu bạn có ý tưởng độc đáo, đam mê xây dựng thương hiệu riêng thì tự mở quán cafe là lựa chọn lý tưởng

Chi phí mở quán cafe nhượng quyền hết bao nhiêu?

Một trong những câu hỏi lớn nhất của các nhà đầu tư khi tìm hiểu về mở quán cafe nhượng quyền chính là “cần bao nhiêu tiền?”. Vì vậy, lập kế hoạch tài chính chi tiết là bước không thể thiếu để đảm bảo sự thành công.

Tổng quan các loại chi phí khi mở quán cafe nhượng quyền

Trước khi mở quán cafe nhượng quyền, bạn cần chuẩn bị một kế hoạch tài chính rõ ràng. Ly Phạm – Dạy Pha Chế đã tổng hợp các khoản chi phí phổ biến bạn sẽ phải đối mặt khi mở quán cafe theo hình thức này:

  • Phí nhượng quyền ban đầu (Franchise Fee): Đây là khoản phí trả một lần cho bên nhượng quyền để được cấp phép sử dụng thương hiệu, mô hình kinh doanh, công thức và các hỗ trợ ban đầu. Mức phí này dao động từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng tùy thuộc vào uy tín và quy mô của thương hiệu.
  • Chi phí thiết lập mặt bằng: Tiền thuê và đặt cọc mặt bằng phụ thuộc vào vị trí, diện tích và tình trạng của mặt bằng. Chi phí thiết kế và thi công quán phải tuân thủ tiêu chuẩn của thương hiệu, bao gồm nội thất, ngoại thất, bảng hiệu,…
  • Chi phí trang thiết bị, máy móc, công cụ dụng cụ: Bao gồm máy pha cà phê chuyên nghiệp, máy xay cà phê, tủ lạnh, tủ đông, máy tính tiền (POS), hệ thống camera, bàn ghế, ly tách, dụng cụ pha chế,….
  • Chi phí nguyên vật liệu ban đầu: Gồm cà phê hạt, sữa, đường, siro, các loại trà, trái cây và các nguyên liệu khác để bắt đầu hoạt động.
  • Chi phí đào tạo nhân viên: Một số thương hiệu đã bao gồm chi phí đào tạo trong gói nhượng quyền, nhưng cũng có nơi tách riêng và thu thêm. Nội dung đào tạo thường bao gồm kỹ năng pha chế, phục vụ và quản lý vận hành quán.
Một số loại chi phí khi mở quán cafe nhượng quyền

Một số loại chi phí khi mở quán cafe nhượng quyền

  • Chi phí marketing và khai trương: Bao gồm các hoạt động quảng bá trước và trong ngày khai trương để thu hút khách hàng.
  • Chi phí đăng ký kinh doanh và các giấy phép liên quan: Giấy phép đăng ký hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy phép phòng cháy chữa cháy (nếu cần).
  • Các khoản phí định kỳ: Phí bản quyền/Phí quản lý (Royalty Fee) thường được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu hàng tháng (ví dụ 5-7%) hoặc một khoản cố định. Một số thương hiệu thu thêm phí marketing/ quảng cáo để đóng góp quỹ marketing chung của toàn hệ thống.
  • Vốn lưu động/Chi phí duy trì hoạt động ban đầu: Cần có một khoản dự phòng khoảng 3-6 tháng hoạt động để chi trả các chi phí vận hành trong những tháng đầu khi doanh thu chưa ổn định, bao gồm tiền lương nhân viên, tiền điện nước, tiền nguyên vật liệu và các chi phí phát sinh khác.

Chi phí nhượng quyền một số thương hiệu cafe nổi tiếng tại Việt Nam

Để bạn hình dung rõ hơn về mức đầu tư ban đầu khi mở quán cafe nhượng quyền, dưới đây là bảng tổng hợp chi phí tham khảo của một số thương hiệu cafe nhượng quyền phổ biến tại Việt Nam.

Thương hiệu Tổng đầu tư ước tính Phí nhượng quyền Phí quản lý Yêu cầu mặt bằng
Highlands Coffee 3 – 5 tỷ VNĐ Đã bao gồm trong tổng đầu tư 7% nhượng quyền + 5% quản lý >150m², ngã 3/4, trung tâm, TTTM
Trung Nguyên E-Coffee 65 – 175 triệu VNĐ 0 đồng hoặc theo gói Có thể % doanh thu (gói Legend) Từ 4m² trở lên, linh hoạt
Cộng Cà Phê 2.5 – 3.8 tỷ VNĐ ~150 triệu/năm 7% tổng doanh thu Mặt bằng lớn, trung tâm
Milano Coffee ~ 90 – 300 triệu VNĐ Khoảng 10 triệu/năm (gói cơ bản) Không thu phí quản lý >50m², gần khu dân cư
Aha Cafe 1.6 – 2.2 tỷ VNĐ 225 – 320 triệu/5 năm 3% tổng doanh thu Vị trí đẹp, ngã 3, ngã 4
The Coffee House ~2.8 tỷ VNĐ ~500 triệu/5 năm Không công khai rõ Hỗ trợ setup theo chuẩn thương hiệu

(Nguồn: Tự tổng hợp từ tài liệu nội bộ và thông tin công khai của các thương hiệu) 

Lưu ý: Chi phí có thể thay đổi tùy thời điểm, quy mô và các điều kiện cụ thể của hợp đồng. Bạn nên liên hệ trực tiếp với thương hiệu để có thông tin chính xác nhất.

Kinh nghiệm mở quán cafe nhượng quyền – chìa khóa thành công thực chiến

Mở quán cafe nhượng quyền không chỉ đơn thuần là việc bỏ tiền ra mua một thương hiệu. Để thành công, bạn cần trang bị những kinh nghiệm quý báu và kế hoạch triển khai bài bản.

Quy trình triển khai mở quán cafe nhượng quyền

Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của Ly Phạm – Dạy pha chế và các mô hình đã thành công, quy trình mở quán cafe nhượng quyền thường bao gồm 7 bước chính sau:

Bước 1: Khảo sát thị trường, chọn thương hiệu phù hợp

Tìm hiểu khu vực dự định mở quán: mật độ dân cư, thói quen tiêu dùng và đối thủ cạnh tranh. Sau đó, đánh giá kỹ thương hiệu nhượng quyền: mô hình kinh doanh, sản phẩm, phí nhượng quyền và chính sách hỗ trợ. Đừng quên trải nghiệm thử sản phẩm và tham khảo ý kiến từ những người đang vận hành hệ thống đó.

Bước 2. Lập kế hoạch tài chính rõ ràng 

Xác định tổng chi phí đầu tư gồm phí nhượng quyền, thiết kế, trang thiết bị, nguyên vật liệu, vốn lưu động. Ước tính thời gian hoàn vốn và đánh giá khả năng tài chính của bản thân.

Bước 3. Tìm mặt bằng phù hợp

Vị trí quyết định lớn đến thành công. Ưu tiên nơi đông dân cư, gần văn phòng, trường học, khu giải trí. Mặt bằng cần dễ thấy, dễ tiếp cận, có chỗ đậu xe. Chi phí thuê nên chiếm không quá 20 – 30% doanh thu dự kiến.

Bước 4. Hoàn tất thủ tục pháp lý

Đăng ký kinh doanh, xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng cháy chữa cháy nếu cần. Đảm bảo đầy đủ giấy tờ trước khi vận hành.

Quy trình 7 bước triển khai khi mở quán cafe nhượng quyền 

Quy trình 7 bước triển khai khi mở quán cafe nhượng quyền

Bước 5. Thiết kế, thi công quán theo tiêu chuẩn thương hiệu

Làm việc cùng bên nhượng quyền hoặc đội thiết kế để đảm bảo đồng bộ phong cách, hình ảnh thương hiệu. Quán cần đảm bảo cả về thẩm mỹ lẫn công năng.

Bước 6. Tuyển dụng, đào tạo nhân sự

Tuyển nhân viên và tham gia các khóa đào tạo từ thương hiệu mẹ: từ pha chế, phục vụ đến quản lý vận hành. Đội ngũ tốt giúp quán hoạt động ổn định ngay từ đầu.

Bước 7. Chuẩn bị marketing, khai trương

Tận dụng hỗ trợ từ thương hiệu mẹ, kết hợp với chiến dịch marketing riêng như: chạy quảng cáo Facebook/Zalo, tặng quà khai trương, hợp tác KOLs địa phương, phát hành thẻ thành viên, treo banner bảng hiệu,… Đừng quên chạy thử và kiểm tra quy trình vận hành trước khi mở cửa chính thức.

Bí quyết vận hành quán cafe nhượng quyền hiệu quả

Sau khi quán đi vào hoạt động, vận hành tốt chính là chìa khóa để duy trì ổn định và phát triển bền vững. Dưới đây là những nguyên tắc cốt lõi giúp quán hoạt động hiệu quả: 

  • Đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ đồng nhất: Luôn tuân thủ nghiêm ngặt công thức pha chế, định lượng nguyên liệu và quy trình phục vụ đã được chuẩn hóa từ thương hiệu.
  • Quản lý tài chính chặt chẽ: Theo dõi sát sao các khoản thu chi hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Tối ưu chi phí vận hành như nguyên vật liệu, nhân sự, mặt bằng,… để đảm bảo lợi nhuận như kỳ vọng.
  • Xây dựng đội ngũ ổn định: Tuyển dụng đúng người, đào tạo kỹ lưỡng, xây dựng chính sách lương thưởng hợp lý để giữ chân nhân viên giỏi. Tạo môi trường làm việc tích cực, chuyên nghiệp và khuyến khích tinh thần đồng đội.  
  • Kiểm soát hàng tồn kho: Thường xuyên kiểm kê nguyên vật liệu, bảo quản đúng cách để tránh thất thoát, hư hỏng. Ngoài ra, đảm bảo nguyên liệu luôn tươi mới, sẵn sàng phục vụ kịp thời và chất lượng.
  • Chăm sóc khách hàng chu đáo: Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến phản hồi để không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ. Triển khai các chương trình tích điểm tri ân và ưu đãi để khách quay lại thường xuyên.
  • Ứng dụng công nghệ thông minh: Sử dụng các phần mềm quản lý bán hàng (POS), quản lý kho, nhân sự để tự động hóa quy trình, giảm thiểu sai sót và có số liệu rõ ràng phục vụ cho việc ra quyết định kinh doanh.
Xây dựng đội ngũ ổn định là bí quyết mở quán cafe nhượng quyền hiệu quả

Xây dựng đội ngũ ổn định là bí quyết mở quán cafe nhượng quyền hiệu quả

Lời kết

Mở quán cafe nhượng quyền không phải là con đường “nhàn hạ”, nhưng lại là lựa chọn thông minh nếu bạn muốn bắt đầu với nền tảng vững chắc. Khi được chuẩn bị đúng cách, mô hình này giúp tiết kiệm thời gian, giảm rủi ro và dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn.

Hy vọng bài viết từ Ly Phạm – Dạy Pha Chế đã giúp bạn hiểu rõ hơn trước khi quyết định đầu tư. Chúc bạn sớm sở hữu quán cafe thành công và đừng quên theo dõi các chia sẻ tiếp theo của Ly Phạm – Dạy Pha Chế để tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế nhé!

Đánh giá bài viết
Tác giả

Ly Phạm

Ly Phạm là một chuyên gia pha chế đầy nhiệt huyết và dày dặn kinh nghiệm, là Nhà đồng sáng lập và Giảng viên tại Học viện SaLy Academy (tên gọi khác: học viện Ly Phạm - Dạy Pha Chế). Đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách "Làm chủ từ đam mê pha chế", Chị đã có hơn 7 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, nghiên cứu và đào tạo pha chế đồ uống.

Đào tạo hơn 2000 học viên, là tác giả của hàng trăm khóa học đào tạo pha chế và kinh doanh F&B là minh chứng rõ nhất cho tài năng và sự thành công của Chị. Sự đam mê và tận tâm của chị là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người yêu thích pha chế và mong muốn thành công trong lĩnh vực F&B.