Hồng trà, với hương vị đậm đà và màu sắc cuốn hút, là một trong những nguyên liệu quen thuộc trong pha chế trà sữa. Sự kết hợp hoàn hảo giữa vị đắng nhẹ của trà và độ ngọt béo của sữa tạo nên một loại đồ uống hấp dẫn trong suốt những năm qua.
Vậy hồng trà là gì? Hãy cùng học viện đào tạo pha chế Ly Phạm – Dạy Pha Chế tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé! Đồng thời, hãy lưu lại ngay 4 công thức pha chế đồ uống phổ biến từ hồng trà.
Những thông tin về hồng trà
Hồng trà là gì?
Hồng trà, còn được gọi là trà đen, là một loại trà được sản xuất bằng cách lên men hoàn toàn lá trà xanh. Quá trình lên men này làm thay đổi màu sắc của lá trà từ xanh sang đen và tạo ra hương vị đặc trưng đậm đà, ít chát, và thường có chút hậu ngọt.
Đây là loại trà có xuất xứ từ Trung Quốc. Nước trà sau khi pha có màu hồng ngọc hoặc nâu đỏ, chính vì thế mà có tên gọi là “hồng trà”. Trà sau khi pha thường đậm đà, ít chát hơn trà xanh.
Công dụng của hồng trà
Bên cạnh hương vị thơm ngon, trà đen còn mang lại nhiều công dụng cho sức khỏe. Cụ thể:
- Tăng khả năng tập trung: Cafein trong trà giúp tỉnh táo, cải thiện sự tập trung, nâng cao hiệu suất làm việc.
- Ngăn ngừa bệnh tật: Hồng trà hỗ trợ phòng chống một số bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, ung thư, đột quỵ,…
- Làm đẹp: Nhờ chứa chất oxy hóa nên nó có công dụng làm chậm quá trình lão hóa, giúp da đẹp hơn. Vì thế, loại trà này thường xuất hiện trong nhiều công thức làm đẹp của phái nữ.
Quy trình chế biến và sản xuất trà đen
Quy trình chế biến hồng trà gồm các bước dưới đây:
- Thu hoạch: Thu hoạch búp non và lá non của cây trà xanh.
- Làm héo: Trà được làm héo bằng ánh sáng mặt trời hoặc nhiệt độ để giảm đi lượng nước bên trong, hạn chế bị dập nát.
- Vò lá trà: Lá trà được vò bằng phương pháp thủ công hoặc máy móc nhằm phá vỡ cấu trúc tế bào, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình oxy hóa và lên men.
- Lên men: Đây là bước quan trọng nhất, quyết định hình dạng, màu sắc cũng như mùi vị của trà. Để đạt kết quả tốt nhất, cần duy trì ở nhiệt độ 24-26 độ C, độ ẩm không khí 95-98%.
- Sấy trà: Sấy khô lá trà để ngăn chặn quá trình oxy hóa, giữ lại hương vị cho trà.
Các loại hồng trà ngon
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại hồng trà, từ bình dân cho đến cao cấp. Ở phương Tây, hồng trà được phân chia theo phương thức sản xuất, gồm 2 loại chủ yếu: hồng trà truyền thống (Orthodox) và hồng trà công nghệ (CTC). Đồng thời, mỗi loại còn có những nhóm nhỏ như Broken Pekoe, Orange Pekoe, Fanning Pekoe,…
Trong khi đó, ở phương Đông, dựa theo phương pháp gia công, có 4 loại hồng trà gồm:
- Tiểu Chủng Hồng Trà: là gốc của các loại hồng trà, gồm Chính Sơn Tiểu Chủng và Ngoại Sơn Tiểu Chủng.
- Công Phu Hồng Trà: được làm từ búp trà non, nước trà sau khi hãm có màu đỏ sáng.
- Hồng Toái Trà: là trà được nghiền nát thành mảnh vụn, đóng gói trong túi lọc.
- Tốc Dung Hồng Trà: lá trà được nghiền thành bột mịn rồi phun sương để tạo thành viên nhỏ trước khi đóng gói.
Ngoài ra, xét theo thương hiệu, có những loại hồng trà nổi tiếng như Đại Hồng Bào, Kỳ Môn Hồng Trà, Đại Cát Lĩnh, Hồng trà Bodhisattva, Ô Ba, hồng trà Earl Grey,…
4 công thức pha chế đồ uống thơm ngon từ hồng trà
Với hồng trà, bạn có thể làm nên nhiều thức uống thơm ngon và hấp dẫn. Dưới đây là 4 công thức pha chế phổ biến từ trà đen để bạn dễ dàng tham khảo.
Cách pha hồng trà truyền thống
Đây là cách làm hồng trà đơn giản nhất với những nguyên liệu gồm:
- Hồng trà: 5-10g
- Nước sôi: 300ml
Về cách nấu hồng trà, hãy thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Đổ nước vào ấm và đun sôi rồi để nguội (khoảng 90-95 độ C).
- Bước 2: Cho hồng trà vào ly hoặc chén, rót một chút nước sôi và đảo nhẹ để làm sạch trà. Sau đỏ, bỏ phần nước đi.
- Bước 3: Cho trà vào ấm rồi thêm nước sôi vào. Đậy nắp và chờ khoảng 3-5 phút.
- Bước 4: Tiếp đến, dùng rây lọc bỏ bã trà. Rót trà đã pha vào tách để thưởng thức.
>> Lưu ý:
- Nên dùng nước sạch pha trà để đảm bảo hương vị tốt nhất.
- Nếu thích uống ngọt, hãy thêm một chút đường.
- Bạn có thể uống nóng hoặc thêm đá vào tùy theo sở thích.
- Nếu muốn trang trí, hãy cho vào ly trà một vài lát chanh mỏng.
Cách pha hồng trà sữa
Hồng trà sữa là một công thức pha chế đồ uống quen thuộc từ loại trà này. Để thực hiện, cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- Hồng trà: 100g
- Bột sữa: 100g
- Đường cát: 300g
- Nguyên liệu khác: đá viên, topping (trân châu, thạch phô mai)
Về cách làm hồng trà sữa, trước hết phải ủ trà. Các bước ủ trà tương tự như công thức pha hồng trà truyền thống. Tuy nhiên, với định lượng này, bạn cần ủ hồng trà 15-30 phút để trà chiết xuất hết hương vị. Kế đến, dùng rây lọc bỏ bã trà và tiếp tục tiến hành theo các bước sau:
- Bước 1: Đổ nước cốt trà vào một chiếc nồi nhỏ, thêm đường và khuấy đều.
- Bước 2: Bắc nồi lên bếp và đun với lửa nhỏ. Từ từ cho bột sữa vào nồi, dùng muỗng khuấy đều để bột tan hết thì tắt bếp.
- Bước 3: Đợi hỗn hợp nguội, rót vào chai đậy kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh 2-4 tiếng. Khi sử dụng, cho hồng trà sữa cùng đá vào bình shaker, lắc đều, đổ ra ly, thêm topping và thưởng thức.
Lưu ý:
- Khi nấu, chú ý khuấy đều tay để bột sữa không bị bám dưới đáy nồi.
- Chia thành phẩm ra nhiều phần nhỏ để bảo quản tốt hơn.
- Bạn có thể điều chỉnh lượng đường và sữa để phù hợp với khẩu vị cá nhân.
Cách pha hồng trà tắc
Với công thức này, những nguyên liệu cần thiết bao gồm:
- Hồng trà: 5g
- Tắc (quất): 2-3 trái
- Đường: 30g
- Nước nóng: 200ml
- Nguyên liệu khác: đá viên, topping
Trước tiên, bạn cũng tiến hành ủ trà khoảng 5-10 phút rồi thực hiện theo các bước dưới đây:
- Bước 1: Tắc rửa sạch, cắt đôi, vắt lấy nước, bỏ hạt.
- Bước 2: Cho nước cốt trà vào bình lắc. Thêm nước tắc và đường vào rồi khuấy đều.
- Bước 3: Cho đá viên vào bình và lắc đều.
- Bước 4: Rót ra ly, thêm topping và thưởng thức.
Lưu ý:
- Nên chọn quả tắc có màu vàng xanh, vỏ căng bóng, kích thước lớn hơn ngón tay cái một chút.
- Khi vắt tắc, tránh vắt quá mạnh tay làm trà bị đắng.
- Sau khi pha xong nên dùng trong vòng 12 tiếng. Nếu để lâu hơn, hồng trà tắc sẽ bị đổi màu, mất hương vị ban đầu.
Cách pha hồng trà sủi bọt
Đầu tiên, bạn cần pha trà theo kiểu truyền thống. Khi nước trà còn nóng, thêm một chút đường vào và khuấy đều. Sau đó, thêm hồng trà và đá viên vào bình shaker. Đậy nắp thật chặt, lắc đều và mạnh trong 15-20 giây để tạo bọt. Cuối cùng, rót thức uống ra ly, đổ bọt lên trên để trang trí. Ngoài ra, bạn có thể thêm topping như trân châu, thạch phô mai hoặc trái cây để tăng thêm trải nghiệm.
Cách bảo quản hồng trà đúng cách
Nhờ được oxy hóa mạnh nên hồng trà ít bị ảnh hưởng bởi không khí. Dù vậy, nếu muốn sử dụng lâu và an toàn, bạn vẫn nên chú ý bảo quản hồng trà đúng cách. Cụ thể:
- Với hồng trà khô: Đặt trong hộp kín và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh để trà ở nơi nhiệt độ cao hoặc để gần các loại gia vị có mùi mạnh vì sẽ ảnh hưởng tới hương vị của trà.
- Với hồng trà đã pha: Rót nước trà vào chai nhựa hoặc bình thủy tinh đậy kín, đặt trong ngăn mát tủ lạnh 1-2 ngày. Tránh để lâu hơn vì sẽ làm giảm hương vị lẫn chất lượng của trà. Trường hợp muốn hâm nóng hồng trà đã bảo quản, chỉ cần đun nhẹ hoặc dùng lò vi sóng trong thời gian ngắn để trà giữ được độ thơm ngon.
Những câu hỏi liên quan đến hồng trà
Hồng trà và trà đen có giống nhau không?
Hồng trà và trà đen về cơ bản cùng một loại. Sở dĩ có hai tên gọi vì lý do như sau:
- Hồng trà là từ được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc cùng một số nước châu Á. Nguyên nhân xuất phát từ việc nước trà sau khi hãm có màu nâu đỏ hoặc hồng ngọc.
- Trà đen là cách gọi phổ biến ở phương Tây dựa theo màu sắc của lá trà sau khi sấy.
Uống nhiều hồng trà có tốt không?
Mặc dù hồng trà mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bạn vẫn không nên uống quá nhiều. Con số lý tưởng thường khoảng 1-2 ly mỗi ngày. Nếu uống nhiều hơn, bạn có thể gặp một số vấn đề như lo âu, bồn chồn, mất ngủ, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu,…
Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý một số điều khi uống trà đen, gồm:
- Không uống trà ngay sau khi ăn vì sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
- Không uống trà khi đang đói bởi acid tannic trong trà sẽ làm tổn thương hệ tiêu hóa.
- Uống trà vào 3 tiếng trước khi ngủ sẽ gây ra tình trạng khó ngủ hoặc mất ngủ.
- Những đối tượng nên hạn chế uống hồng trà: người bị sỏi thận, đau dạ dày, phụ nữ trong thời kỳ hành kinh/mang thai/sau sinh/đang cho con bú.
Hồng trà nào pha trà sữa ngon?
Để pha trà sữa thơm ngon và đậm vị, bạn có thể cân nhắc sử dụng những loại hồng trà dưới đây:
- Hồng trà Redshan cổ thụ: Loại trà này được trồng chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La,… Trà có vị không quá đắng chát, hậu vị ngọt dịu.
- Hồng trà Tam Đường: Đây là trà được sản xuất tại vùng chuyên canh trà Tam Đường (tỉnh Lai Châu). Trà có vị thanh nhẹ, ít đắng, hậu vị ngọt.
Hồng trà giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
Đây là một trong các loại trà pha chế vô cùng phổ biến. Vì thế, bạn sẽ rất dễ dàng tìm mua sản phẩm tại các siêu thị lớn, cửa hàng chuyên bán nguyên liệu pha chế hoặc cửa hàng bán trà uy tín. Trước khi mua, đừng quên tìm hiểu kỹ lưỡng về nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng cũng như thành phần của trà.
Về giá thành, sản phẩm dao động khoảng 130.000-190.000 VNĐ/kg tùy loại. Mặt khác, giá hồng trà túi lọc rơi vào khoảng 40.000-160.000 VNĐ/hộp (khoảng 50g).
Hồng trà có thể uống lạnh không?
Hồng trà hoàn toàn có thể uống lạnh. Hơn hết, nó thường được dùng để pha chế những thức uống lạnh như trà sữa, trà trái cây hoặc trà chanh. Đặc biệt, bạn sẽ càng thích thú và sảng khoái hơn khi thưởng thức vào những ngày hè nắng nóng.
Lời kết
Trên đây là những thông tin thú vị về hồng trà. Hy vọng qua bài viết này, bạn không chỉ hiểu rõ hơn về loại trà đặc biệt này mà còn biết về những cách pha hồng trà đúng chuẩn. Đừng quên theo dõi Ly Phạm – Dạy Pha Chế để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé!